Categories
News

TẤM LÒNG NHÂN ÁI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ BẤT HẠNH

Xuất thân trong một gia đình nghèo, từ nhỏ bà Tuyết thường đến các chùa làm công quả với tấm lòng trong sáng. Tại Tịnh Xá Ngọc Liên (TP Cần Thơ), bà đã được Sư cô trụ trì chỉ dạy cách may mền từ những mảnh vải vụn để tặng người nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hai, 66 tuổi ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ rất xúc động khi kể cuộc đời đầy sóng gió của người phụ nữ vốn là hàng xóm của bà đã hơn 30 năm qua: “Con nhỏ Tuyết đẹp người, đẹp nết, lễ phép, tốt bụng với hàng xóm, ai khó khăn gì nó tới giúp ngay. Vậy mà cuộc đời nó luôn bất hạnh, hồi nhỏ phải sống nương tựa nơi cửa Phật, có chồng rồi chồng nó cũng qui tiên. Vậy mà cái khổ vẫn chưa buông tha, thằng con trai duy nhất cũng mới qua đời vì căn bệnh quái ác. Giờ nó sống thui thủi một mình, có đồng nào là đi cho người nghèo hết”. Bà bật khóc.

Xuất thân trong một gia đình nghèo, từ nhỏ bà Tuyết thường đến các chùa làm công quả với tấm lòng trong sáng. Tại Tịnh Xá Ngọc Liên (TP Cần Thơ), bà đã được Sư cô trụ trì chỉ dạy cách may mền từ những mảnh vải vụn để tặng người nghèo. Sau khi lập gia đình, bà thường xuyên mang vải về để hai vợ chồng cùng may trong niềm hạnh phúc vô biên. Mỗi ngày cả hai phải đi làm thuê cho các hộ mua bán xung quanh để có tiền mưu sinh là gây quỹ làm từ thiện cho gia đình. Lúc thì tặng quà cho người nghèo, lúc thì tặng tập, sách, dụng cụ học tập cho học sinh khó khăn, lúc đi cứu trợ miền Trung bão lụt… Điều đáng trân trọng là sau khi chồng và con đột ngột ra đi, bà Tuyết đã tự đứng lên bằng nghị lực của chính mình.

Bà Tuyết tâm sự: “Mình khổ thì còn nhiều người khác khổ hơn. Mình phải biết vượt qua bất hạnh, biến mất mát thành nghị lực sống để còn giúp đỡ nhiều người xung quanh”.

Tận dụng kiến thức may vá sẵn có của bản thân, hơn 10 năm qua, bà Trần Thị Ánh Tuyết, 60 tuổi, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã đi vận động vải vụn tại các chùa, các Phật tử để về may trên 1.000 cái mền để tặng miễn phí cho người nghèo, nhiều nhất là các tỉnh miền Trung. Mỗi chiếc mền có kích thước ngang 1,5 mét, dài 2 mét và được may thành 2 lớp rất đẹp và chắc chắn. Để hoàn thành một chiếc mền bà phải mất từ 1 đến 2 ngày tùy thuộc thời gian rảnh rỗi của bản thân.

Bà Tuyết xúc động kể: “Những năm miền Trung lũ lớn, tôi có đi theo đoàn cứu trợ mang hàng chục cái mền do chính tay tôi may tặng bà con ngoài đó, có người cứ nắm tay mình mà khóc vì cảm động. Tôi tự nguyện với lòng sẽ còn tiếp tục công việc thầm lặng này đến khi không còn may được nữa”.

Ngoài ra, bà Tuyết còn vận động người thân, bè bạn, Phật tử, các tấm lòng vàng để mỗi tháng có được 200 phần quà bao gồm: gạo, muối, đường, bột ngọt…để hỗ trợ cho bà con nghèo tại các địa phương như: TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Ông Trần Hoàng Tấn, ngụ thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết: “Cô Tuyết cùng đoàn từ thiện rất thường xuyên đến đây tặng gạo và nhu yếu phẩm cho bà con nghèo, món quà tuy không quá lớn nhưng mang đậm ý nghĩa “lá lành đùm lá rách”. Cô này còn động viên chúng tôi cố gắng lao động vượt qua khó khăn, chúng tôi cảm động lắm. Nhiều người nghèo ở đây cũng đã được “cổ” tặng những chiếc mền rất đẹp, bền”.

Thấy được việc làm nhân ái đầy tình người này, hiện nay đã có rất nhiều nhà hảo tâm đã gửi tặng rất nhiều vải để bà Tuyết đủ nguyên liệu may mền miễn phí; nhiều người khác còn đến nhà để tiếp bà hoàn thành những chiếc mền đầy ắp tình người; nhiều tấm lòng vàng gởi nhiều quà tặng để bà cùng đoàn thiện nguyện tiếp tục cuộc hành trình nhân ái đến các vùng sâu và xa mỗi tháng.

Bà Tuyết nói thêm: “Thấy đơn giản vậy chớ may hoàn chỉnh một chiếc mền từ vải vụn rất vất vả, mất nhiều thời gian lắp ráp. Tuy nhiên khi nghĩ đến người nghèo đang lạnh lẽo vì thiếu mền đắp; nghĩ đến bà con vùng sâu đang vất vã từng ngày, nghĩ đến mấy đứa nhỏ thiếu tập sách, quần áo tới trường là mình quên hết mệt nhọc, thay vào đó là niềm vui to lớn lắm”.

Chia tay với chúng tôi một cách vội vã bởi bà phải đi nhận vải vụn từ một cuộc điện thoại gọi tới trong khi mưa tháng 6 đang rơi nặng hạt và màn đêm đã dần buông xuống, bà nói với vẻ ngượng ngùng như mình đang có lỗi: “Thông cảm nghe, mai mốt tới chơi tui kể tiếp nhiều cái chuyện vui buồn. Giờ phải đi nhận vải vụn người ta cho, mưa bão cũng phải đi để không phụ lòng người ta”.

Nhìn theo bóng dáng nhỏ bé đang điều khiển chiếc xe đạp điện băng mình trong mưa gió của bà Tuyết, chúng tôi quá lo ngại và cũng thật chạnh lòng.

Nguồn : Internet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *